Nhà mồ Ba Chúc – Di tích lịch sử nổi tiếng tại An Giang

Đến An Giang khám phá, du lịch thì nhất định bạn không thể nào bỏ qua việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử ở vùng đất này. Không những nổi tiếng với đa dạng địa điểm cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ hay những địa điểm tham quan tâm linh mà nơi này còn có rất nhiều di tích lịch sử hào hùng. Hôm nay Khám phá Việt Nam và các bạn sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về bảo tàng di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc – Một địa điểm tưởng nhớ những người đã khuất và miêu tả tội ác mà quân Khmer đỏ đã làm đối với người dân nơi đây.

Địa chỉ: 955B, TT. Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, Việt Nam

Lịch sử cuộc thảm sát Pôn Pốt ở Ba Chúc

Thị trấn Ba Chúc, An Giang nằm dưới chân của dãy núi Thất Sơn | 7 núi ở An Giang hùng vĩ, nơi đây cách biên giới của Việt Nam và Campuchia chỉ khoảng tầm 7km.

Vào giai đoạn những năm 1977 thì dân số sinh sống của người dân Ba Chúc là hơn 16 nghìn người. Mọi người chủ yếu sống bằng nghề nông, làm các sản phẩm tiểu thủ công và buôn bán giao thương nhỏ lẻ. Nơi đây cũng chính là vùng đất đã khởi nguồn, tạo nên đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Người dân sẽ thường tổ chức nên nhiều buổi sinh hoạt lễ hội, cúng bái để gắn kết đời sống tinh thần.

Sau khi miền Nam nước ta được giải phóng thì Ba Chúc hòa cùng không khí vui tươi của cả nước ta chung tay khắc phục các hậu quả sau chiến tranh và ra sức xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Tuy nhiên vẫn chưa yên bình được bao lâu thì nơi đây lại phải gánh chịu một cuộc chiến tranh diệt chủng đẫm máu do sự tàn ác của quân Khmer đỏ Pôn Pốt gây nên.

Đúng vào đêm 30/4/1977 thì quân Pôn Pốt đã cùng lúc tiến vào 14 xã biên giới ở An Giang để tấn công, tàn sát người dân vô tội bằng những cách thức man rợ. Đỉnh cao chính là cuộc thảm sát từ ngày 18/4 đến 30/4/1978 khi có đến 3157 người dân của Ba Chúc bị Pôn Pốt sát hại. Suốt 12 ngày đêm, nơi đây như chìm trong biển máu.

Quân Pôn Pốt tàn ác không chỉ cướp bóc tài sản, đốt phá nhà ở của người dân Ba Chúc mà còn tàn sát rất nhiều người dân vô tôi, không kể già trẻ lớn bé. Những nạn nhân bị Pôn Pốt áp dụng rất nhiều cách thức giết người man rợ không bút mực nào có thể tả hết. Từ chém, bắn, chặt đầu, đóng cọc và người, xé đôi cơ thể,..

Trong số những địa điểm bị phá hủy nặng nề nhất tại Ba Chúc chính là chùa Phi Lai. Nơi này đã bị quân Pôn Pốt tàn sát gần 300 người, có 43 người lẩn trốn phía dưới bàn thờ trong chùa cũng bị chúng ném lựu đạn giết chết đến 40 người.

Ở chùa Tam Bửu thì có 800 người dân bị quân Pôn Pốt bắt ra cầu sắt Vĩnh Thông, giồng Ông Tướng và một số khu vực khác ở Ba Chúc để bắn chết. Những nơi như cách đồng Phú Cường, núi Tượng ở Ba Chúc đã không còn mang màu xanh của cây cối mà thay vào đó chính là màu của tang thương, đẫm máu với hàng trăm xác người vô tội nằm chết chồng lên nhau.

Chùa Tam Bửu - Một trong những quần thể công trình ở nhà mồ Ba Chúc
Chùa Tam Bửu – Một trong những quần thể công trình ở nhà mồ Ba Chúc

Sau cuộc thảm sát diễn ra, Ba Chúc chỉ còn lại là một vùng đất tang hoang. Người còn sống thì mang bên mình nỗi đau thương đến tận cùng khi bị mất đi người thân, mất nhà cửa, chứng kiến nhiều cảnh tượng kinh hoàng, không ít người vì bị ám ảnh đến tột cùng nên không dám trở về quê hương mà phải đi tha phương. Cơ sở vật chất khi ấy của vùng đất này gần như đã bị san bằng hoàn toàn.

Có hơn 30 phái đoàn ngoại giao, báo chí ở nhiều quốc gia cùng với Tổ chức Liên Hiệp quốc đã đến nơi đây để tận mắt chứng kiến tội ác mà quân đội Pôn Pốt đã gây ra cho người dân Ba Chúc. Hội chữ thập đỏ tỉnh An Giang đã cùng nhiều người gom xác của những người đã mất để hỏa táng vào tháng 4/ 1978.

Xây dựng nhà mồ Ba Chúc – Tưởng nhớ những người vô tội bị sát hại

Sau khi đã tìm kiếm những đồ vật còn sót lại sau cuộc thảm sát thì những phần vật dụng minh chứng cho tội ác của Pôn Pốt, rất nhiều xương người đã được cất giữ tạm ở phía sau chùa Phi Lai.

Sau khi cuộc chiến biên giới phía Tây Nam kết thúc vào năm 1979 thì ngôi nhà mồ đầu tiên để tưởng nhớ những người vô tội đã mất tại Ba Chúc được xây dựng. Với hình dáng lục giác với 4 cánh tay đang cầm 4 thanh kiếm đẫm máu đang cắm xuống mặt đất. Điều này cho thấy được sự căm thù của người dân Ba Chúc, người dân Việt Nam đối với những quân Pôn Pốt man rợ.

Vào ngày 10/7/1980 thì nhà mồ Ba Chúc được công nhận là di tích lịch sử quốc gia Việt Nam. Đến năm 2013 thì nơi đây đã được xây dựng lại thành dạng quần thể với nhiều công trình.

Xây dựng nhà mồ Ba Chúc – Tưởng nhớ những người vô tội bị sát hại
Xây dựng nhà mồ Ba Chúc – Tưởng nhớ những người vô tội bị sát hại

Thời gian hoạt động của khu di chúc lịch sử Ba Chúc

Bảo tàng chiến tranh, di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc nằm ở thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang. Nơi đây luôn mở cửa hoạt động tất cả các ngày trong tuần từ 6g đến 17g.

Không chỉ để du khách ghé đến tham quan, tưởng niệm và tìm hiểu về tội ác mà quân Pôn Pốt Khmer đỏ đã gây nên mà còn là nơi để cho những người thân của những người vô tội bị giết trong cuộc thảm sát có thể đến thăm viếng mỗi khi về thăm quê hương.

Các du khách có thể đến vào dịp 16/3 âm lịch hàng năm để có thể tham gia và ngày giỗ được tổ chức tập thể cho những nạn nhân xấu số trong vụ thảm sát Pôn Pốt. Đây có thể là ngày giỗ tập thể lớn nhất tại nước ta.

Quần thể công trình di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc

Có 5 Quần thể công trình di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc
Có 5 Quần thể công trình di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc

Quần thể công trình nhà mồ Ba Chúc có diện tích rộng khoảng 5ha. Gồm có 5 công trình là:

  • Nhà mồ: nơi lưu giữ những bộ hài cốt của người dân vô tội Ba Chúc bị giết trong cuộc thảm sát Pôn Pốt. Với hình dáng thiết kế là 8 cánh hoa sen sơn trắng, úp ngược xuống đất. Mỗi cánh hoa sen lại là nơi trưng bày một nhóm hài cốt của người dân được phân ra theo từng độ tuổi và giới tính khác nhau.
  • Nhà lưu niệm: nơi có các hình ảnh, vết máu, các vật dụng minh chứng cho tội ác mà quân Pôn Pốt Khmer đỏ đã gây nên. Tất cả đều được ghi chú đầy đủ, rõ ràng nhất.
  • Hội trường.
  • Chùa Tam Bửu.
  • Chùa Phi Lai.

Những chứng tích cho tội ác của Pôn Pốt tại nhà mồ Ba Chúc An Giang

  • Các bức ảnh trắng đen chụp lại tội ác mà Pôn Pốt gây nên: Đây chính là bằng chứng rõ ràng và đanh thép nhất để minh chứng cho tội ác man rợ không thể nào chối cãi được của bọn tàn bạo Pôn Pốt
Những chứng tích cho tội ác của Pôn Pốt tại nhà mồ Ba Chúc ở An Giang
Những chứng tích cho tội ác của Pôn Pốt tại nhà mồ Ba Chúc ở An Giang
  • Vật dụng Pôn Pốt dùng để nhuốm máu, sát hại người dân Ba Chúc: Đây là các đồ vật được sử dụng cho mục đích hành hạ, tra tấn và giết hại người dân Ba Chúc (dùi, cọc, dao, búa,..). Tất cả đều được đặt trong tủ kính để khách tham quan có thể quan sát
Những chứng tích cho tội ác của Pôn Pốt tại nhà mồ Ba Chúc An Giang
Dao – Những chứng tích cho tội ác của Pôn Pốt tại nhà mồ Ba Chúc ở An Giang
  • Những bộ đầu lâu, hài cốt của người dân vô tội Ba Chúc: Các bộ hài cốt, đầu lâu được sắp xếp cẩn thận, đặt ở nơi thoáng đãng để du khách tham quan không cảm thấy ghê sợ, rùng rợn. Luôn được hương khói nghi ngút để tượng niệm cho người đã khuất, giảm bớt đi sự đau thương cho những người ở lại.
Các bộ hài cốt - Những chứng tích cho tội ác của Pôn Pốt tại nhà mồ Ba Chúc An Giang
Các bộ hài cốt – Những chứng tích cho tội ác của Pôn Pốt tại nhà mồ Ba Chúc An Giang

Sau sự kiện tang thương mà quân tàn ác Pôn Pốt gây nên thì hiện Ba Chúc đang từng ngày vượt qua đau thương để lấy lại cuộc sống mới càng ngày càng tốt đẹp, phát triển. Biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây sau khó khăn chính là hình ảnh cây Dầu đã hơn 300 tuổi, như sự tái sinh một lần nữa của vùng đất Ba Chúc – Nơi mà những người dân sẽ dần được xoa dịu bớt đau thương để trở thành một thị trấn phát triển sầm uất tại Tri Tôn, An Giang. Hi vọng nếu có dịp đến An Giang du lịch thì bạn sẽ không bỏ qua cơ hội đến nhà mồ Ba Chúc để tham quan, tưởng niệm để hiểu và thêm yêu thương vùng đất An Giang này.

Bài viết liên quan