Bến Tre là vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho khí hậu ôn hòa quanh năm cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, đất trồng tươi tốt đầy phù sa do sông Cửu Long bù đắp. Với những vườn cây ăn trái sum suê nặng trĩu quả, những hàng dừa cao thấp trải dài bạt ngàn xanh mát, Bến Tre đã thu hút được đông đảo du khách đến trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái, miệt vườn sông nước mang đậm cái tình của bà con miền Tây. Trong số đó Cồn Phụng, là một trong những điểm đến du lịch Bến Tre rất nổi tiếng nhất.
Cùng Đi Đâu Có Gì theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ thông tin du lịch Cồn Phụng Bến Tre:
1. Vài nét về Cồn Phụng
Cồn Phụng còn được gọi với cái tên khác là cồn Tân Vinh, đây là một cù lao nổi giữa bốn bờ sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre . Cồn Phụng là một trong bốn quần thể tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng).
Trong đó, cồn Quy và cồn Phụng nằm ở tỉnh Bến Tre, còn cồn Long và cồn Lân là thuộc địa phận của tỉnh Tiền Giang. Ở một số miền quê của Việt Nam, đặc biệt ở Nam Bộ, người ta dùng khái niệm cồn hoặc cù lao để chỉ bãi giữa, là một dải đất được hình thành từ phù sa lâu năm bồi đắp ở giữa con sông lớn.
2. Lịch sử hình thành Cồn Phụng
Cồn Phụng được biết đến khi vào những năm 1964, một kỹ sư tên Nguyễn Thành Nam (1909 – 1990) đã chọn nơi đây làm thánh địa đạo Dừa do ông sáng lập ra và truyền bá “giáo chủ là bậc tiên thánh, chỉ uống nước dừa mà sống”. Ông đã chọn một xà-lan ba tầng, neo đậu ở mõm Cồn Phụng làm thánh thất và xây dựng trên diện tích chừng 1.500m² các công trình như sân Cửu Long (9 con rồng), tháp Hòa Bình (Cửu trùng đài), nhà khách, vườn hoa… Tháp Hòa Bình là một kiến trúc khá xa lạ lúc bấy giờ với những mảng đắp chạm rồng, phượng được thiết kế bằng những mảnh vỡ của bát đĩa sành sứ. Đây là nơi để thuyết pháp và truyền bá đạo giáo của vị giáo chủ.
Sau ngày đất nước Việt Nam được độc lập thống nhất, “thánh thất đạo Dừa” được di chuyển đưa về bờ sông thị xã, cải tạo lại trở thành một khách sạn nổi, các công trình kiên cố còn lại trên Cồn Phụng như sân chín rồng, tháp Hòa Bình… được giữ gìn, bảo tồn và trùng tu nguyên trạng lúc đầu nhằm phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách. Tại đây du khách có thể tận mặt nhìn thấy nhiều hình ảnh ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường hoạt động của “giáo chủ” Nguyễn Thành Nam, vị “sứ giả của hòa bình” như lời tự nhận với chủ trương đem lại hòa bình từ mọi tôn giáo và chỉ sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác).
Nhiều hiện vật còn để lại như những chiếc mặt nạ xanh, đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, các đồ dùng như chén, bát, muỗng, thìa,…được chế tác tinh xảo từ cây dừa.
3. Tham quan Cồn Phụng bằng cách nào?
3.1 Phương tiện xe khách
Cồn Phụng Bến Tre cách thành phố Hồ Chí Minh không xa chỉ khoảng 80 km. Với thời gian khoảng tầm 2 tiếng đồng hồ đi xe là bạn đã có thể đặt chân đến được đây.
Xe khách di chuyển về Bến Tre có rất nhiều và thường tập trung đông ở khu vực Bến xe Miền Tây. Ngoài ra. các xe về Trà Vinh cũng có ghé ngang ở Bến Tre. Du khách có thể liên hệ với nhà xe trước để trao đổi điểm đón để khỏi mất công vào bến xe Miền Tây.
- Giá vé từ Sài Gòn đi Bến Tre khoảng 60.000đ đến 70.000đ/ vé.
3.2 Phượt bằng phương tiện cá nhân
Nhiều du khách lựa chọn di chuyển bằng xe máy hay xe hơi cá nhân. Trên đường đi bạn có thể thoải mái, thuận tiện dừng lại ăn uống, ngắm cảnh, check in những cảnh đẹp trên đường đi. Đường đi cũng rất dễ dàng, không có gì khó khăn đối với những người lần đầu đến đây.
- Bạn chỉ cần đi theo đường Võ Văn Kiệt – quốc lộ 1A- vòng xoay Trung Lương thì đi vào Quốc lộ 60.
- Đi theo đường này qua cầu Rạch Miễu sẽ thấy bảng chỉ dẫn đường vào Cồn Phụng.
4. Những trải nghiệm thú vị cho du khách
4.1 Di tích Đạo Dừa
Nếu bạn vẫn còn đang thắc mắc, băn khoăn Bến Tre có gì chơi thì Cồn Phụng sẽ là câu trả lời tốt nhất dành cho bạn. Khu di tích Đạo Dừa gắn liền với Cồn Phụng. Kiến trúc độc đáo, lạ lẫm của Đạo Dừa khiến nhiều người không khỏi tò mò, thắc mắc.
Khu di tích có diện tích 1.500 mét vuông gắn liền với một tín ngưỡng từ xa xưa cùng tên. Đến khu di tích ấn tượng đặc biệt đầu tiên là 9 trụ cột cứng cáp được điêu khắc tinh xảo dưới đôi bàn tay của thợ lành nghề hình rồng, phượng bay lượn.
Ngoài ra còn nhiều hình ảnh núi non, tháp cổ, hang động… được tái dựng lại. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu về cuộc sống của ông Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam) và tận mắt chiêm ngưỡng tượng mô phỏng chân dung của ông tại khu di tích.
4.2 Trải nghiệm đi xuồng ba lá
Để đi sâu vào khu Cồn Phụng Bến Tre du khách sẽ phải đi xuồng ba lá để luồn lách qua các con rạch nhỏ, chằng chịt nhau. Đây là trải nghiệm mới lạ được đông đảo du khách yêu thích vì khó nơi nào có. Con rạch vào bên trong cồn đông đúc, tấp nập những chiếc xuồng ba lá ngược xuôi, tiếng nói cười đùa vui vẻ của du khách và cả nhưng người chèo xuồng.
Xuồng đi chậm rãi qua con rạch mát rượi và không khí trong lành yên bình của vùng quê sông nước. Hai bên đường rất nhiều những rừng dừa nước tươi tốt, xanh ngát. Bạn không phải lo lắng vì việc chóng mặt hay say tàu thuyền. Đảm bảo chuyến đi sẽ rất êm ái và thoải mái để du khách tận hưởng hết những gì của nơi đây.
4.3 Nghe đờn ca tài tử và thưởng thức trái cây
Đi xuồng khoảng 15 phút du khách sẽ đến được trải nghiệm tiếp theo đó là thưởng thức trái cây và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ. Những ngôi nhà mái lá đặc trưng miền tây sông nước cho du khách không gian nghỉ chân thư giãn sau một hành trình dài. Ngay lập tức nhiều đĩa trái cây nhỏ đã cắt sẵn, sắp xếp đẹp mắt sẽ được mang ra phục vụ cho du khách. Nào là chôm chôm, nhãn, sabo, đu đủ, ổi, dưa đầy đủ những trái cây đặc sản của nơi đây.
Trong lúc du khách cảm nhận vị ngọt lịm của trái cây miền tây các tiết mục đờn ca tài tử cũng bắt đầu trình diễn cho du khách. Các chị, các em trong trang phục áo dài truyền thống đẹp đến lạ lùng, ngất ngây lòng người. Người ta vẫn thường nói con gái miền tây có chất giọng ngọt ngào lắm. Nghe những ca từ vọng cổ này du khách sẽ càng cảm nhận được rõ hơn sự ngọt ngào không phải là những lời đồn mà là thật.
4.4 Tham quan trại nuôi ong
Bên trong Cồn Phụng Bến Tre còn có những trại nuôi ong lấy mật. Tại đây du khách sẽ được nghe giới thiệu về quy trình từ lúc bắt đầu nuôi cũng như lấy mật ong. Những ly trà pha mật ong ngọt lịm, vàng ươm như xua đi cái nóng bức của miền tây.
Nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế từ ong cũng được bày bán như mật ong, sáp ong, sữa ong chúa. Không chỉ tốt, giúp ích cho sức khoẻ mà các sản phẩm này còn có tác dụng làm đẹp rất tốt.
4.5 Tìm hiểu về những cơ sở làm kẹo dừa
Nhắc đến đặc sản Bến Tre nhiều người sẽ suy nghĩ ngay đến một thứ đó là kẹo dừa. Nguyên liệu làm nên viên kẹo dừa thơm ngon là gì, cách làm và quy trình ra sao? Nhiều câu hỏi thắc mắc bấy lâu của du khách sẽ được giải đáp trong hành trình tham quan Cồn Phụng Bến Tre.
Tại cơ sở làm kẹo dừa, các nghệ nhân dưới đôi bàn tay thoăn thoắt gói kéo khiến nhiều du khách thích thú, trầm trồ. Những viên kẹo cắt đều nhau như khuôn đúc, được gói, bảo quản kỹ lưỡng trong miếng bánh tráng mỏng và giấy bọc bên ngoài. Hương vị kẹo ngọt lịm, thanh thơm của mùi dừa và nồng mùi sầu riêng. Đây xứng đáng là một đặc sản nổi danh của Bến Tre.
Bên cạnh kẹo dừa, ở đây còn bán kẹo đậu phộng, kẹo chuối. bánh phồng sữa… Giá trung bình cũng chỉ khoảng 15.000đ, 20.000đ.
4.6 Tát nước bắt cá
Một trải nghiệm thực tế khó có ở thành phố và ngập tràn tiếng cười ở Cồn Phụng đó là tát mương bắt cá. Bạn sẽ được hoá thân thành những người nông dân thực thụ đậm chất miền quê. Khu du lịch đã chuẩn bị sẵn áo bà ba, khăn rằn, nơm… bắt cá.
Cá lóc sẽ được khu du lịch thả sẵn xuống ao. Du khách thi nhau tự tay mò, bắt cá. Ai bắt được nhiều cá hơn sẽ chiến thắng.
Tát mương bắt cá lúc nào cũng mang đến cho du khách tiếng cười sảng khoái, giây phút gắn bó tập thể. Nhìn những khuôn mặt lấm lem bùn đất du khách càng hiểu hơn về cuộc sống của người nam bộ ngày xưa.
Và còn thú vị hơn khi những thành quả là con cá lóc do chính tay du khách bắt được sẽ chế biến ngay tại chỗ. Nhiều món ăn đặc sản miền tây như các lóc nướng trui, canh chua cá lóc…tươi ngon nóng hổi hấp dẫn vô cùng sẽ chinh phục khẩu vị của những vị khách khó tính .
4.7 Tham quan tìm hiểu về Bảo tàng dừa
Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa của miền tây sông nước. Hầu như đi đến đâu du khách cũng thấy những hình ảnh gắn liền với cây dừa. Dừa từ lâu đã gắn liền với đời sống của người dân xứ này. Chính vì vậy mà một bảo tàng dừa đã được xây dựng ở khu du lịch Cồn Phụng.
Bảo tàng là một khu nhà rộng lớn được làm hoàn toàn từ những cây dừa. Bên trong du khách sẽ thấy bàn ghế, ấm trà và nhiều đồ vật đều được chế tác từ dừa. Các nhạc cụ âm nhạc như đàn bầu, đàn nhị cũng được làm từ dừa.
4.8 Dạo quanh Cồn Phụng bằng xe ngựa
Di chuyển bằng xe ngựa là phương tiện đi lại rất phổ biến ở khu vực miền tây nam bộ vào thuở xa xưa nên chúng ta thường thấy những hình ảnh ấy được tái hiện lại qua các bộ phim.
Ngày nay bạn sẽ khó tìm được thấy những chiếc xe ngựa miền tây nữa. Tuy nhiên tại Cồn Phụng Bến Tre xe ngựa đã được tái hiện một cách chân thực và giống với ngày xưa nhất. Ngựa được nuôi với mục đích chủ yếu là phục vụ du lịch.
Mỗi cỗ xe có thể chở được 6 người đi tham quan. Xe chạy qua những con đường làng quanh co, uốn lượn và mát rượi nhờ những hàng dừa xanh ngát. Tiếng lọc cọc của xe ngựa kết hợp cùng với không gian yên bình miền tây sông nước mới đúng chất miền tây làm sao.
4.9 Những trò chơi giải trí
Vẫn chưa dừng lại ở đó, khu du lịch Cồn Phụng còn có hẳn một khu chuồng nuôi cá sấu với quy mô rộng lớn. Du khách có thể trải nghiệm trò chơi câu cá sấu tại đây. Cảm giác hồi hộp, mạo hiểm này được du khách rất thích thú. Hay nếu muốn nhẹ nhàng hơn bạn có thể lựa chọn cho cá bú bình. Nghe thật lạ lẫm với chúng tai phải không nào.
Chỉ với một chiếc bình nhỏ và một ít thức ăn, các chú cá dễ thương nhiều màu sắc sặc sỡ sẽ bơi lại tụ họp thi nhau đớp mồi. Các em nhỏ luôn thích thú với trải nghiệm này.
Trò bóng nước đã được Cồn Phụng cập nhật để phục vụ cho du khách. Những chiếc bóng đủ màu sắc khổng lồ được bơm đầy hơi vào trong và du khách sẽ ngồi phía bên trong. Cứ như thế đưa nhau đi tới đích trên mặt nước. Cảm giác lênh đênh khó khăn khi di chuyển trên nước vừa thích thú lại nhiều thử thách tạo cảm giác mới lạ.
5 Thưởng thức món ăn gì khi đến Cồn Phụng
Thưởng thức ẩm thực đặc trưng miền tây cũng là một trong những điều thú vị đáng trải nghiệm thu hút được khá nhiều khách của khu du lịch Cồn Phụng Bến Tre.
Nhà hàng Cồn Phụng xây dựng với diện tích rộng lớn, không gian thoáng mát và gần gũi với thiên nhiên. Ở đây chuyên phục vụ những món ăn ngon đặc sản quê hương Bến Tre . Sau những giây phút vui chơi thỏa thích du khách có thể nạp lại phần năng lượng bằng một bữa cơm bình dị mang hương vị của miền tây thơm ngon đến khó quên làm du khách phải nhớ mãi.
Một số món ăn được du khách lựa chọn để thưởng thức nhiều nhất:
5.1 Cá lóc nấu canh chua
Nhắc đến ẩm thực miền tây không thể bỏ qua món canh chua cá lóc trong danh sách các món ngon đáng thử ở miền tây. Cá lóc đồng tươi ngon kết hợp cùng nhiều loại rau, giá đỗ của vùng quê. Hương vị canh chua chua ngọt ngọt vừa ăn khiến du khách nhớ mãi hương vị không thể quên.
5.2 Bánh xèo
Khác với bánh xèo ở các vùng miền khác bánh thưởng nhỏ tầm trung thì bánh xèo miền tây có kích thước khá to. Bột bánh được pha với cách riêng chiên vàng vừa phải. Nhân bánh đầy ắp có nhiều loại tôm, thịt, giá đỗ.
Đầu bếp người miền tây nhiều kinh nghiệm trong nghề nên đổ bánh cực kỳ khéo tay. Bánh chín đều, không bị vỡ, tròn đều. Kết hợp với bánh xèo là rau xanh với đủ các loại cùng nước chấm chua ngọt đậm đà.
5.3 Cá chiên xù cuốn bánh tráng
Cá điêu hồng hay cá tai tượng chiên xù cuộn rau cũng là món ăn đặc sắc của nhà hàng Cồn Phụng. Cá làm sạch sẽ để nguyên vảy được chiên ngập dầu với lửa vừa phải. Cá làm theo cách này vừa giữ được độ tươi sống, bổ dưỡng khi ăn có thể cảm nhận được cái giòn giòn của vảy và ngọt của thịt cá.
Giống như bánh xèo, cá chiên xù cũng được cuốn cùng rau và chấm nước mắm chua ngọt hay mắm nêm.
5.4 Đặc sản đuông dừa
Một đặc sản Bến Tre mà không phải du khách nào khi đến nơi đây cũng dám thử đó là đuông dừa. Đuông dừa sống và thức ăn cũng là cây dừa nên rất sạch. Theo người dân bản xứ đuông dừa ăn rất béo và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Đuông dừa có thể dùng để chế biến các món nướng hoặc chiên.
Tuy nhiên nhiều du khách vẫn muốn thử thách sự can đảm của bản thân với món đuông dừa sống. Những con đuông dừa còn sống sẽ được làm sạch sẽ cho vào nước mắm thêm ớt. Rồi cứ thế mà ăn. Liệu bạn có dám thử một lần món ngon này khi du lịch Cồn Phụng không?
6. Lưu ý cho du khách để chuyến đi tốt hơn
Trên đường tham quan, du khách sẽ đi qua rất nhiều vườn cây ăn trái. Nhưng đừng tùy tiện hái trái cây vì đây là vườn của người dân. Du khách sẽ được phục vụ trái cây theo mùa riêng.
Khi đi xuồng ba lá lưu ý không được để tay ra lên thành xuồng. Những lúc xuồng va chạm với xuồng khác có thể khiến tay của bạn bị thương.
Hành trình này phần lớn là đi bộ nên hãy mặc trang phục thoải mái cũng như mang giày dép phù hợp để có một chuyến tham quan thoải mái nhất.
Khu du lịch Cồn Phụng Bến Tre có vị trí gần Thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày cuối tuần du khách có thể đến đây tham quan, nghỉ ngơi đi về trong ngày. Thật tuyệt vời khi được cảm nhận rõ hơn cuộc sống của người dân miền tây sông nước.